Trong lịch sử của Pháp có một vị hoàng hậu trẻ tuổi gả đến từ nước Áo. Bà được coi là người phụ nữ xinh đẹp, xa hoa và lộng lẫy nhất thời bấy giờ nhưng cũng là một vị hoàng hậu xa xỉ và phóng đãng “khét tiếng”. Bà là Marie Antoinette. Vậy Marie Antoinette là ai và cuộc đời bà như thế nào? Hãy cùng GVS Việt Nam tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Marie Antoinette là ai?
Marie Antoinette là ai? Bà là con gái út của Hoàng đến Franz I của Đế quốc La Mã với Nữ quân vương Maria Theresia của Áo. Bà sinh ngày 2/11/1755 và trở thành Hoàng hậu nước Pháp từ năm 1774, khi chỉ mới 19 tuổi.
Marie Antoinette là hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp trước khi Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ. Sinh thời, bà có cuộc sống vô cùng xa hoa, trụy lạc và ngông cuồng. Giới quý tộc Pháp thời bấy giờ cho rằng chính lối sống của bà đã dẫn đến sự tàn vong của chế độ quân chủ Pháp.
Từng là một vương hậu, song Marie Antoinette cuối đời lại phải chịu cảnh bị giam trong ngục tù. Cuối cùng, bà kết thúc sinh mệnh trên đoạn đầu đài. Lịch sử Pháp nói riêng và lịch sử châu Âu nói chung xếp bà vào danh sách những hoàng hậu gây tranh cãi nhất lịch sử.
Vẻ đẹp và sự quyến rũ của hoàng hậu Marie Antoinette
Thuở thiếu thời, tên khai sinh của bà là Maria Antonia Josefa Johanna. Khi ấy, bà đã nổi tiếng là một người con gái xinh đẹp tuyệt vời. Nàng công chúa nước Áo được mô tả là sở hữu đôi mắt biết nói và làn da trắng mịn. Chưa dừng lại ở đó, cơ thể bà còn luôn toát lên một mùi hương quyến rũ từ loại nước hoa do chính bà tạo nên. Ngoài vẻ đẹp hình thể, Antonia còn bộc lộ tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Bà rất có thiên phú với các loại đàn và bộ môn khiêu vũ.
Marie Antoinette ngay từ khi còn trẻ đã rất nổi tiếng với sắc đẹp rực rỡ
Vẻ quyến rũ trời sinh của Antonia đã khiến cho nhiều người đàn ông phải say đắm. Song, giai nhân sớm đã có hôn ước với Louis Auguste – vị trữ quân nước Pháp. Cuộc hôn nhân này do một tay mẹ ruột của Antonia – Nữ vương Maria Theresa định đoạt. Bà muốn sử dụng cuộc hôn nhân của con gái mình để củng cố liên minh và xoa dịu sự thù địch vốn tồn tại lâu đời giữa 2 dòng họ hoàng gia Áo và Pháp. Maria Antonia được gả đến Pháp và trở thành trữ vương phi khi chỉ mới 14 tuổi. Cũng từ đây, bà chấp nhận cái tên mới Marie Antoinette và chuyển vào sống tại cung điện Versailles – nơi mà ngày nay vẫn còn rất nhiều người làm visa Pháp đến tham quan.
Marie Antoinette chính thức trở thành hoàng hậu nước Pháp vào năm 1774 khi chồng bà lên ngôi, trở thành vua Louis XVI của Pháp.
Cuộc sống xa hoa của Marie Antoinette sau khi lên ngôi
Danh hiệu Phu nhân Chúa Chổm
Phía trên, chúng ta vừa tìm hiểu Marie Antoinette kết hôn khi mới 14 tuổi và trở thành hoàng hậu khi mới 19 tuổi. Ở độ tuổi thanh xuân tràn trề lại phải gò ép bản thân vào giới hoàng gia Pháp vốn nhiều phép tắc, quy định rườm rà, Marie Antoinette luôn tỏ ra mệt mỏi và chán nản.
Ngay cả chính cuộc hôn nhân của bà với vua Louis XVI cũng không quá hạnh phúc suôn sẻ. Vốn mang ác cảm với người Áo ngay từ khi còn nhỏ nên nhà vua không thường xuyên gần gũi và thậm chí bỏ bê hoàng hậu của mình. Chính điều ấy đã khiến Antoinette dần đắm chìm trong những buổi tiệc tùng, vũ hội, những trò chơi bài bạc và cả những gã đàn ông khác.
Marie Antoinette từng viết thư tâm sự với một người bạn của mình chia sẻ về cảm giác sợ hãi vì buồn chán và cô độc trong hoàng cung nước Pháp. Để mua vui, bà đã chi sạch quốc khố cho phục sức đắt tiền, cho những buổi đánh bạc thâu đêm suốt sáng.
Bấy giờ, nước Pháp vốn đã rơi vào tình cảnh kinh tế sa sút trầm trọng. Hành vi tiêu xài phung phí của Antoinette đã khiến thái độ của người dân nước Pháp vốn đang chịu cảnh đói khổ từ ngưỡng mộ vị hoàng hậu xinh đẹp chuyển sang bất mãn và dè bỉu. Họ gán cho bà danh xưng “Phu nhân Chúa Chổm”.
Bộ sưu tập trang sức kỷ vật của Marie Antoinette được mang ra đấu giá
Marie Antoinette là vị hoàng hậu bất tài chính trị
Chưa dừng lại ở đó, hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp còn bất tài chính trị. Do chịu quá nhiều tác động từ người mẹ là Nữ vương Maria Theresa, Antoinette liên tục thúc đẩy lợi ích của Áo trong nội bộ hoàng gia Pháp. Động thái này của bà đã khiến các thành viên hoàng tộc dấy lên lòng nghi ngờ về sự trung thành của bà.
Sự bất tài của Marie Antoinette còn được thể hiện qua câu trích dẫn nổi tiếng của bà khi được quần thần thông báo về đời sống đói ăn khổ cực của người dân Pháp: “Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy cho họ ăn bánh kem”. Nhiều chuyên gia sử học sau này đã lật lại vấn đề và cho rằng câu nói này không phải do hoàng hậu Pháp phát biểu. Bởi vốn dĩ tính cách của bà vẫn là một người nhân hậu. Bà từng chăm sóc cho một người nông dân bị nai húc và nhận nuôi một vài đứa trẻ, bà cũng từng viết thư về quê nhà kể về sự day dứt trước tình cảnh bất hạnh của người dân Pháp.
Quá kiệt sức, Marie Antoinette chọn cách trốn tránh tại biệt thự riêng Petit Trianon. Triều đình và hoàng gia Pháp lập tức coi đây là hành động của sự coi thường. Và đó cũng chính là lý do khiến Antoinette trở thành mục tiêu của Cách mạng Pháp sau này.
Bê bối tình ái của vị hoàng hậu cuối cùng của Pháp
Sau 7 năm hôn nhân, Marie Antoinette đã ngoại tình với Bá tước người Thụy Điển – Axel von Fersen. Hai người gặp nhau lần đầu trong một trận bóng năm 1774 và hoàng hậu Pháp quyết định phản bội chồng không lâu sau đó. Bà còn thường xuyên mời Fersen đến biệt thự riêng của mình, bí mật trao đổi thư từ và thiết kế nội thất cho căn biệt thự.
Vụ ngoại tình này đã dẫn đến mối nghi ngờ về thân phận thực sự của người con thứ 2 của Marie Antoinette. Liệu đây có thực sự là huyết mạch của hoàng gia Pháp hay chính Bá tước Thụy Điển mới là cha của đứa trẻ?
Kết cục của Marie Antoinette
Sau khi Cách mạng Pháp diễn ra thành công vào năm 1792, vua và hoàng hậu bị bãi bỏ. Năm 1793, vua Louis XVI bị xử tử, Marie Antoinette bị truy tố chỉ vài tháng sau vụ hành quyết của chồng.
Bà bị áp giải đến nhà tù Temple ở Paris. Bà được bố trí sống tại một phòng giam lát gạch đầy bùn lầy và ẩm mốc. Cuộc sống của bà từ đây bị hạn chế đến triệt để, mọi chi phí sinh hoạt đều phải ghi chép rõ ràng.
Sinh thời, Marie Antoinette rất thích đội tóc giả màu trắng
Trong thời gian sống trong ngục, mái tóc của Marie Antoinette đã trở nên bạc trắng chỉ sau một đêm. Ở thời đỉnh cao, bà cũng hay rắc phấn lên tóc và hay đội tóc giả trắng, song sự thay đổi này không khỏi khiến bà suy sụp và buồn phiền. Những lọn tóc trắng xóa của bà về sau đã được thị nữ theo hầu xác nhận. Từ đó trở đi, “hội chứng Marie Antoinette” được sử dụng để chỉ những trường hợp tương tự.
Marie Antoinette từng cầu xin chính quyền mới nhanh chóng kết thúc chuỗi ngày khổ sở của bà. Song phải sau 2 tháng sống trong lao tù, bà mới chính thức được kết án. Vị hoàng hậu Pháp được tuyên tử hình bằng máy chém. Ngày 16/10/1793, Marie Antoinette bị chém khi chưa đầy 38 tuổi.
Trên đây là bài viết của GVS về tiểu sử của Marie Antoinette – vị hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp. Hy vọng qua bài viết, các bạn không chỉ trả lời được câu hỏi Marie Antoinette là ai mà còn tích lũy thêm những kiến thức thú vị về lịch sử thế giới.