Thất tịch là một trong những ngày lễ được giới trẻ Trung Quốc mong chờ và ưa chuộng nhất trong năm. Vậy Lễ Thất tịch ngày mấy? Tại sao lại có tục lệ ăn chè đậu đỏ? Tất cả sẽ được GVS Việt Nam giải thích trong bài viết sau đây.
Lễ Thất tịch ngày mấy? Thất tịch là ngày gì?
Lễ Thất tịch ngày mấy? Thất tịch (Qixi – 七夕) là một ngày lễ trong văn hóa Á Đông có nguồn gốc sâu xa ở Trung Quốc, sau ảnh hưởng và lan rộng ra nhiều nước châu Á khác. Lễ Thất tịch diễn ra vào ngày ngày 7 tháng 7 âm lịch hằng năm. Thất tịch năm 2022 sẽ rơi vào ngày 4/8/2022 dương lịch. Lịch sử về ngày lễ này gắn liền truyền thuyết về Ngưu Lang Chức Nữ được lưu truyền từ thời nhà Hán Trung Quốc.
Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ
Chuyện kể rằng Ngưu Lang là chàng trai chăn bò tình cờ gặp gỡ và nên duyên với nàng tiên Chức Nữ – con gái út của Ngọc Hoàng. Nhưng rồi tình yêu của họ vấp phải sự ngăn cấm từ Ngọc Hoàng và bị buộc phải chia xa. Ngọc Hoàng đã tạo ra dòng sông Ngân ngăn cách hai người và chỉ cho họ gặp nhau vào mùng 7 tháng 7 âm lịch.
Vào ngày này, những con quạ và chim khách thương tình bèn nối nhau bắc thành cây cầu để hai người gặp được nhau, cầu đó gọi là Ô Kiều (hoặc Ô Thước). Theo truyện dân gian Việt Nam, Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau rồi lại phải tiễn biệt nên đã khóc sướt mướt, nước mắt rơi xuống trần gian tạo thành mưa ngâu của tháng 7.
Lễ hội Thất tịch là một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với những thiếu nữ chưa chồng. Theo truyền thống, Thất tịch gồm 2 tiết là Khất Xảo và Xảo Tịch. Tiết Khất Xảo là dịp để các cô gái thể hiện tài năng nấu nướng, may vá, thêu thùa và dùng những món đồ nữ công gia chánh ấy để bày tỏ ước nguyện về một hôn nhân hạnh phúc. Xảo Tịch là chỉ đêm Thất tịch. Đêm Xảo Tịch thường diễn ra các hoạt động: múa rối nước, đoán đố đèn, bắn pháo hoa, thả đèn hoa đăng,…
Trong đêm này, nam nữ có tình cảm với nhau thường tặng nhau chuỗi vòng gỗ làm từ hạt hồng đậu, cầu nguyện tình cảm không bao giờ phai nhạt. Cũng vì thế mà Thất tịch còn được gọi là Lễ Tình nhân của Trung Quốc và thu hút rất đông du khách làm visa Trung Quốc đến du lịch vào dịp này.
Các cô gái trong bộ Hán phục truyền thống và những món đồ nữ công để cầu nguyện cho tiết Khất Xảo
Lễ Thất tịch trong văn hóa các nước Đông Á khác
Thất tịch phổ biến và nổi tiếng nhất là ở Trung Quốc quê hương của nó. Song với sức ảnh hưởng và bành trướng lớn mạnh của quốc gia này trong quá khứ, các nước sau cũng tổ chức lễ hội Thất tịch theo những phong cách truyền thống riêng.
Hàn Quốc
Lễ Thất tịch ở Hàn Quốc có tên gọi là Chilseok (칠석). Vào ngày này, người Hàn Quốc thường có truyền thống tắm gội sạch sẽ để có sức khỏe dồi dào hơn. Người ta cũng thường nướng bánh mì và các loại bánh làm từ lúa mì khác vào dịp này. Bởi lẽ, theo quan niệm ở đây, sau ngày Chilseok, những cơn gió thu mang hơi lạnh sẽ làm mất đi hương thơm của lúa mì.
Nhật Bản
Thất tịch du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ 8 và dần trở nên phổ biến rộng rãi hơn vào thời Edo. Lễ hội Thất tịch ở Nhật có tên là Tanabata. Một điều khác biệt ở quốc gia này là lễ Tanabata được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 dương lịch và kéo dài cho đến giữa tháng 8 dương lịch. Vào dịp này ở Nhật, các con phố thường được trang hoàng bởi những hình ảnh được cắt từ giấy.
Người dân sẽ xếp giấy thành một số hình ảnh như: cánh hạc, Kimono, túi xách, lưới,… rồi tặng nhau như một lời chúc may mắn, tốt lành.
Đường phố Nhật Bản trong lễ Tanataba
Việt Nam
Ở Việt Nam chúng ta, lễ Thất tịch có sự tương đồng khá nhiều về mặt ý nghĩa so với Trung Quốc. Dân gian ta gọi tháng 7 âm lịch là tháng mưa ngâu và ngày 7 là ngày Ngâu, gắn với sự tích ông bà Ngâu (Ngưu Lang Chức Nữ) đã kể trên. Lễ này có cả trong dân gian và cung đình. Thời xưa, vào tiết Tiểu Xảo, phụ nữ phải chuẩn bị quả bánh thắp hương ước vọng đủ tài nội trợ, tình duyên như ý. Trong cung, cung tần làm bánh, vua thiết yến ban quả bánh cho các quan viên.
Trong vài ba năm đổ lại đây, một bộ phận giới trẻ rộ lên phong trào nấu chè đậu đỏ vào ngày lễ này để cầu tình duyên. Đây là một sự nhầm lẫn do phát tán thông tin sai lệch mà chúng ta sẽ đi phân tích tiếp sau đây.
Sự thật về chè đậu đỏ Thất tịch
Ăn chè đậu đỏ Thất tịch để có người yêu? – Tin tức sai sự thật và vô căn cứ
Trong một vài năm gần đây, giới trẻ Việt Nam bắt đầu tin vào câu chuyện: ăn chè đậu đỏ, nấu chè đậu đỏ Thất tịch để cầu tình duyên như ý, nếu chưa có sẽ tìm thấy ý trung nhân. Điều này là sai hoàn toàn. Trên thực tế, không có bất kỳ tài liệu nào cả ở Trung hay Việt ghi chép về tục ăn đậu đỏ này.
Câu chuyện này được dựng lên bởi một blogger có tên là Qing An trên mạng xã hội Facebook. Blogger này đã đánh tráo khái niệm về hạt đậu đỏ để ăn của người Việt Nam và hạt hồng đậu dùng để xâu vòng và không ăn được của Trung Quốc.
Theo đó, đậu đỏ Việt Nam có 2 loại là Xích Tiểu Đậu và Yêu Đậu đều là những loại hạt ăn được và thường xuyên được dùng để nấu các món chè, xôi,… Loại hồng đậu của Trung Quốc còn có tên gọi là đậu tương tư, là một loại hạt cứng như hạt cườm, hình dạng gần giống hình trái tim, có màu đỏ thẫm bóng loáng.
Hạt hồng đậu này ít bị mối mọt hay phai màu nên rất bền, người ta thường xâu thành các chuỗi vòng tay, vòng cổ và tặng cho người yêu với hàm ý về một tình yêu bất diệt, không thay đổi. Quan trọng nhất, hồng đậu Trung Quốc ăn vào sẽ gây ngộ độc!
Hạt hồng đậu Trung Quốc được dùng để xâu vòng và không ăn được
Sự nhầm lẫn tai hại này đã khiến cho thị trường đồ ăn vặt mỗi mùa Thất tịch rầm rộ các món từ đậu đỏ: kem đậu đỏ, chè đậu đỏ, bánh đậu đỏ, trà sữa đậu đỏ,… với các slogan kiểu như “ăn đậu đỏ hết FA”. Xét trên một khía cạnh nào đó, tin đồn thất thiệt từ blogger nọ cũng góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá cho ngành bán lẻ Việt Nam đấy chứ nhỉ?
Vậy thì, Thất tịch có ăn đậu đỏ được không? Tất nhiên là được chứ, đậu đỏ là một loại hạt giàu dinh dưỡng, giàu vitamin và có tác dụng thanh nhiệt, rất tốt cho sức khỏe là đằng khác. Còn ăn đậu đỏ có người yêu không thì chưa chắc. Bạn thích ai cứ tiến tới thôi chứ đậu đỏ đâu có “bỏ bùa” người ta được phải không nào?
Trên đây, GVS Việt Nam đã chia sẻ với các bạn về lễ Thất tịch và thực hư về văn hóa chè đậu đỏ Thất tịch. Hy vọng qua bài viết các bạn đã nắm được một số thông tin như Thất tịch ngày mấy, sự tích về lễ Thất tịch và Thất tịch ở mỗi quốc gia khác nhau thế nào. Cảm ơn các bạn đã theo dõi, chúc các bạn một lễ Thất tịch hạnh phúc với người yêu thương ^^